Ngày 6-4-1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định số 13-QĐ/TW, thành lập Đảng ủy Tổng cục Đường sắt trực thuộc TW. Ngày 25/4/2007, Bộ Chính trị ra quyết định số 56-QĐ/TW chuyển Đảng bộ ĐSVN trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Trải qua 12 kỳ Đại hội; hiện nay, Đảng bộ Tổng công ty ĐSVN có 66 cơ sở trực thuộc (trải dài từ Bắc vào Nam), trong đó: 03 đảng ủy được thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở (trực thuộc có 41 cơ sở đảng), 52 đảng bộ cơ sở và 11 chi bộ cơ sở. Có 866 chi bộ trực thuộc cơ sở và 17 Đảng bộ bộ phận với tổng số: 8.765 đảng viên. Các cơ sở Đảng trong Công ty CP: có 42/66 tổ chức cơ sở đảng (trong đó có 16 Công ty cổ phần không chi phối).
Chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty ĐSVN: Kinh doanh hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt; Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường sắt: Điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia; Kho bãi và lưu giữ hàng hóa; Vận tải hành khách, hàng hóa đường sắt: xây dựng công trình đường sắt; Tư vấn, khảo sát, thiết kế, chế tạo, đóng mới và sửa chữa các phương tiện, thiết bị, phụ tùng chuyên ngành đường sắt và các sản phẩm cơ khí; …
Giai đoạn 1955 – 1975: ĐSVN bước vào những năm đầu khôi phục kinh tế ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Với nỗ lực của mình, trong giai đoạn này ngành Đường sắt đã vận chuyển được 12 triệu tấn.Km hàng hóa, 15 triệu HK.Km, vận chuyển hàng triệu lượt CB, bộ đội cho chiến trường miền Nam. Đây là giai đoạn ngành ĐSVN đã huy động toàn bộ sức người, sức của, phát huy tối đa năng lực của mình, đảm bảo chi viện cho tiến tuyến cùng toàn quân, toàn dân đánh bại về cơ bản âm mưu chiến lược của Mỹ trong việc đánh phá miền Bắc, đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường B, C chuẩn bị bước vào cuộc tổng tấn công nổi dậy năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1975-1986: ĐSVN những năm đầu thống nhất đất nước, Đường sắt miền Nam gần như tê liệt hoàn toàn. Sau hơn một năm lao động khẩn trương, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, ngày 4-12-1976, sau hơn 30 năm gián đoạn (1946-1976), đường sắt xuyên Việt đã hoạt động trở lại và trở thành biểu tượng của tinh thần sức mạnh đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc, là tiền đề quan trọng góp phần xây dựng đất nước đi lên CNXH.
Giai đoạn 1986 – nay: Đường sắt Việt Nam đổi mới và phát triển. Vượt qua muôn vàn khó khăn, Tổng công ty ĐSVN đã đạt được một số thành tựu nổi bật: từ năm 2007 đến nay đã vận chuyển 95.153.214 tấn hàng hóa ( trung bình: 6.343.548 tấn/ năm), 144.576.941 hành khách (trung bình: 9.650.463 người/năm); Tấn.KMTĐ: 109.833.157 ( trung bình: 7.322.210/năm); ra mắt toa xe thế hệ mới chế tạo bằng chất liệu thân thiện với môi trường và trang bị thiết bị hiện đại; Hoàn thành “dự án Hệ thống bán vé điện tử”, phục vụ hành khách mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi, sử dụng hóa đơn điện tử; chủ động đẩy mạnh hợp tác vận tải liên vận quốc tế, sản lượng hàng hóa tăng cao; chất lượng phục vụ hành khách, chủ hàng nâng cao đã được các tầng lớp nhân dân và xã hội ghi nhận;…
Ngành Đường sắt đã khẳng định vai trò to lớn của vận tải đường sắt, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, sớm thoát khỏi khó khăn, đưa đất nước phát triển vững chắc về kinh tế, tạo vị thế chính trị trên toàn thế giới. Với những thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn từ năm 1955 đến nay, Đảng ủy, Chuyên môn, các tổ chức đoàn thể Tổng công ty ĐSVN đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng, …
Năm 2019, tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam vinh dự được Hãng tin Sputnik của Nga bình chọn là 1 trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Trước đó, Lonely Planet – một trong những nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới đã xếp tuyến đường sắt Bắc – Nam, với khoảng cách 1.726 km, đứng đầu danh sách 8 điểm đến có hành trình du lịch tàu hoả đáng trải nghiệm trên thế giới.