Sáng 22/7, tại buổi tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam có thể theo tinh thần làm từng đoạn, dễ trước, khó sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Ngoài dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản và JBIC thúc đẩy chương trình hợp tác ODA thế hệ mới mà Thủ tướng hai nước đã trao đổi; hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc đang được đẩy mạnh trên cả nước, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng đề nghị Nhật Bản và JBIC giúp đỡ Việt Nam tiếp cận khoản hỗ trợ 10 tỷ USD Thủ tướng Nhật Bản đã cam kết tại Hội nghị COP26 để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), sáng 22/7. Ảnh: Nhật Bắc
JBIC tập trung hỗ trợ Việt Nam về tham vấn chính sách, nguồn vốn, công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm quản trị để phát triển nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chế tạo, sản xuất các trang thiết bị trong lĩnh vực điện mặt trời, điện gió, với kế hoạch, dự án cụ thể.
Thủ tướng mong muốn JBIC khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Việt Nam, thúc đẩy Nhật Bản sớm thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam.
Đáp lại, Chủ tịch JBIC đánh giá cao những cam kết, hành động của Việt Nam về các vấn đề môi trường. Ông Maeda Tadashi nhất trí với đề nghị của Thủ tướng, khẳng định JBIC mong muốn hợp tác cùng Việt Nam về nhiều mặt trong nhiều lĩnh vực.
Việt Nam là một trong hai quốc gia đối tác trọng điểm của Nhật Bản tại ASEAN về triển khai các chiến lược hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu để thực hiện ý tưởng tạo lập cộng đồng phát thải ròng bằng 0 ở châu Á, thông qua các kế hoạch, dự án cụ thể.
Chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc từng được trình Quốc hội vào tháng 6/2010 song không được thông qua. Đầu năm 2022, báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ và đang được Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét.
Lần này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.559 km, tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách; còn đường sắt Bắc Nam quốc gia hiện nay được cải tạo để chở hàng.
Tổng mức đầu tư dự kiến trên 58 tỷ USD (tương đương 1,3 triệu tỷ đồng). Giai đoạn một (trước năm 2030) sẽ đầu tư hai đoạn Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang, tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng.
Đơn vị tư vấn tính toán đoàn tàu khai thác tốc độ 320 km/giờ đi từ Hà Nội đến Vinh mất một giờ, trong khi di chuyển bằng đường hàng không bao gồm thời gian bay, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ. Đường sắt đi trên chặng Hà Nội – Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương đi máy bay và làm thủ tục khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội – TP HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ một giờ.
Giá vé tàu tốc độ cao 320 km/giờ được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay.