Chiều 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia Ga Đà Lạt tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Sau khi kiểm tra các toa tàu, đầu máy phục dựng mô phỏng đầu máy hơi nước nguyên bản và một đoạn đường sắt răng cưa, Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và các bộ ngành: “Cần thiết có thể khôi phục”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo địa phương xem một đầu máy xe lửa được phục dựng theo nguyên bản đầu máy hơi nước đã bán cho Thụy Sĩ – Ảnh: M.V.
Năm 1932, tuyến đường hỏa xa Tháp Chàm – Đà Lạt với tổng chiều dài 84km, hành trình qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là đèo Ngoạn Mục và đèo D’Ran, chính thức hoàn thành.
Toàn tuyến có ba đoạn (tổng 16km) phải chạy trên những cung đường sắt răng cưa với độ dốc 12%, gồm: đèo Sông Pha – Eo Gió, đoạn Đơn Dương – Trạm Hành, đoạn Đa Thọ – Trại Mát.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tháp tùng đoàn có ý kiến: “Dự án khôi phục đường sắt Phan Rang Tháp Chàm – Đà Lạt có sử dụng đầu máy hơi nước tương tự trước đây thì rất hay”.
Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam trình bày với Thủ tướng về sự đặc biệt của tuyến đường sắt răng cưa – Ảnh: M.V.
Dự án khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang Tháp Chàm – Đà Lạt từng được đề xuất khôi phục năm 2012. Đến năm 2017, dự án này được khảo sát. Tuy nhiên, đánh giá tiền khả thi mới được thực hiện gần đây.
Tháng 7-2022, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP (đối tác công – tư).
Đồng thời, giao Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn việc hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án; rà soát, trình thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật về phương thức đối tác công – tư, Luật xây dựng…
Hồ sơ đề xuất phải được hoàn thành và nộp cho Bộ Giao thông vận tải vào cuối năm 2022.
Dự án khôi phục đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt kỳ vọng sẽ bổ sung thêm sản phẩm du lịch độc đáo cho tam giác du lịch Khánh Hòa – Phan Rang – Đà Lạt. Đây là khu vực có khả năng đón hơn 40 triệu lượt khách mỗi năm, với tổng công suất phòng khách sạn đạt gần 120.000 phòng.
Dự án do nhà đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất, thực hiện theo hình thức PPP (BOT kết hợp BT).
Mục tiêu của dự án là bảo tồn kiến trúc, khai thác hiệu quả tiềm năng tuyến đường sắt này, góp phần phát triển du lịch và kinh tế – xã hội của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Dự án có quy mô quốc gia với kinh phí trên 10.000 tỉ đồng.
ĐSVN