Sáng nay (18/2), Tổng công ty Đường sắt VN đã tổ chức khai trương hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Kép (thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Việc bổ sung ga Kép là ga liên vận quốc tế là giải pháp nhằm giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và tại 2 ga liên vận quốc tế là Yên Viên và Đồng Đăng, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa... Về lâu dài, sẽ thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, giảm chi phí logistics và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng “Phương án nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt” trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có triển khai hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép. Phương án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện.
Ông Cảnh cho biết thêm, sau khi hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Kép đi vào ổn định, Ủy ban sẽ chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt VN tiếp tục mở rộng hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép như xây dựng kho bãi ngoại quan, tổ chức hoạt động tiếp nhận container lạnh và các dịch vụ khác phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt VN triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt như: Đầu tư thêm phương tiện đầu máy toa xe, kiến nghị cấp có thẩm quyền giao nhà ga, bãi hàng cho Tổng công ty Đường sắt VN để tạo điều kiện phát triển, phát huy tính chủ động của doanh nghiệp. Mục tiêu là nâng sản lượng vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt nói chung lên 4.5 triệu tấn/năm.
Để hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Kép hoạt động được hiệu quả, ông Cảnh cũng đề nghị các Bộ, ngành và tỉnh Bắc Giang quan tâm ủng hộ cho hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Kép như: Đề nghịBộ GTVT tiếp tục xem xét và đưa vào quy hoạch các ga có tiềm năng và thế mạnh trong hoạt động vận tải liên vận quốc tế; UBND tỉnh Bắc Giang quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động kết nối ga Kép với hệ thống giao thông đường bộ cũng như xem xét đưa ga Kép vào quy hoạch mạng lưới logistics của tỉnh, dành quỹ đất để mở rộng hoạt động logistics xung quanh ga Kép...
Là địa phương có tiềm năng khai thác vận tải LVQT,Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Nghiêm Xuân Hưởng cho rằng, hiện hàng hóa liên vận quốc tế đến Bắc Giang phải khai báo thủ tục xuất nhập tại hải quan ga Đồng Đăng hoặc ga Yên Viên, sau đó dỡ hàng đi bằng đường bộ về nhà máy, một số đi tiếp bằng đường sắt theo vận đơn nội địa về ga Kép dỡ hàng nên rất lòng vòng, di chuyển ngược chiều, làm tăng chi phí vận chuyển, đồng thời gây áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ.
“Việc đưa ga Kép vào hoạt động liên vận quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Bắc Giang; giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới, giảm bớt thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, giúp giảm chi chí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung đảm bảo hành langATGT tuyến đường nối từ QL37 vào bãi hàng ga Kép để phương tiện ô tô vận chuyển hàng hóa đi lại thuận lợi. Tiếp tục nghiên cứu đưa ga Kép vào quy hoạch mạng lưới trung tâm logistics địa phương, đồng thời khẩn trương bố trí khu vực để xây dựng trung tâm logistics.”
Phát biểu tại Lễ Khai trương, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện mọi mặt cho hoạt động Đường sắt nói chung và phát triển liên vận quốc tế nói riêng. Về phát triển liên vận quốc tế tại Ga Kép, ông Đặng Sỹ Mạnh khẳng định, các kiến nghị của ĐS đã được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang ghi nhận và hiện hai bên đang khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện như: mở rộng và nâng cấp đường kết nối vào bãi hàng, các kiến nghị về mở rộng bãi hàng giai đoạn 2 phát triển hoạt động liên vận trên địa bàn…; đồng thời cam kết, Tổng công ty ĐSVN sẽ quyết liệt thực hiện tất cả các giải pháp để phát triển vận tải nội địa cũng như vận tải LVQT, dần lấy lại vị thế và thị phần vận tải ĐS.
Tin tưởng việc khai trương hoạt động liên vận tại ga Kép sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới; đồng thời, mở ra 1 giai đoạn mới về liên vận, ông Mạnh bày tỏ: “Để thực hiện được điều đó, ngành Đường sắt mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, quan tâm chỉ đạocủa các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; đặc biệt là chính quyền địa phương của 34 tỉnh, thành có ĐS đi qua”...
Sau Lễ Khai trương, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ chính thức tổ chức tại ga Kép các hoạt động lập tàu và đón tàu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế đến và đi từ các nước châu Âu, Trung Quốc, Nga, Khazakstan, Mông Cổ… Các hoạt động hải quan liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện trực tiếp tại ga Kép để phục vụ các doanh nghiệp.
Các hoạt động kết nối ga Kép với hệ thống các ga trong nội địa cũng đã được Tổng công ty Đường sắt VN lên kế hoạch để có thể khai thác hiệu quả nhất hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia. Mục tiêu đưa cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt vào sâu trong nội địa tại các địa phương.
Đối với phương án hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, giai đoạn 1 (2023-2024), tại ga Kép sẽ tổ chức lập tàu liên vận quốc tế bình quân 1,5-2 đôi/ngày tuyến Kép – Đồng Đăng – Bằng Tường. Cùng đó, tổ chức lập, giải thể, tiếp chuyển tàu nội địa Bắc Nam 1 đôi/ngày. Dự kiến năng lực xếp dỡ bình quân/ngày 80-100 toa xe/container. Nguồn hàng khai thác chủ yếu là hàng điện tử, công nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng, gỗ công nghiệp, quặng thô…
Giai đoạn 2 (từ 2025), sẽ tiến hành xây dựng kho bãi ngoại quan để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận; Bãi hàng chuyên tiếp nhận container lạnh chuyển tải từ phía Nam ra tập kết, làm thủ tục hải quan và xếp vận chuyển bằng đường sắt xuất khẩu sang Trung Quốc. Năng lực dự kiến giai đoạn 2 tăng thêm 2-2,5 đôi tàu/ngày.
ĐSVN