Năm 2022, VNR sẽ chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa

Sáng nay (6/1), Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 qua hệ thống điện thoại truyền hình 8 khu vực: Bắc Giang, Hà Nội, Lào Cai, Đồng Đăng, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và Sài Gòn.

 

Báo cáo kết quả SXKD năm 2021 của Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến vận tải đường sắt, nhất là vận tải hành khách. Mặt khác, dự án đường sắt 7000 tỷ tập trung triển khai để đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân đã làm giảm năng lực thông qua trên tuyến Bắc – Nam và kéo dài thời gian chạy tàu, bắt buộc phải giảm số đôi tàu khách, tàu hàng chạy trên tuyến, nên ảnh hưởng giảm sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa.

Vì vậy, kết quả SXKD của Tổng công ty bị giảm sút nghiêm trọng. Doanh thu Tổng công ty hợp nhất dự kiến thực hiện được 6.653,7 tỷ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ và đạt 100,9% kế hoạch năm. Nhưng lợi nhuận sau thuế âm 677,6 tỷ đồng.

Riêng Công ty Mẹ – Tổng công ty Đường sắt VN, doanh thu thực hiện được 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. Lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng.

Trong đó khối vận tải, vận chuyển hàng hóa tăng trưởng tốt, thực hiện được 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,5% cùng kỳ. Nhưng sản lượng vận chuyển hành khách rất thấp: 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, chỉ bằng 37,2% cùng kỳ.Doanh thu trực tiếp từ vận tải chỉ đạt 2.262,8 tỷ đồng, bằng 77,8% so với cùng kỳ. Khối quản lý, bảo trì KCHT đường sắt có sự tăng trưởng khá, sản lượng 4.266,0 tỷ đồng, bằng 127,9% so với cùng kỳ và đạt 109,2% kế hoạch. Doanh thu 3.899,1 tỷ đồng,bằng 127,7% so với cùng kỳ và đạt 109,6% kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBQLV NN tại DN Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Tổng công ty Đường sắt VN trong thực hiện kế hoạch Ủy ban giao trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch Covid-19.

“Sự quan tâm đầu tư thời gian qua dành cho ngành Đường sắt chưa đáp ứng yêu cầu, ngay cả chỉ để duy trì vai trò của đường sắt trong nền kinh tế quốc gia. Ủy ban sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tổng công ty Đường sắt VN thời gian tới, tiếp tục kiến nghị, đề xuất để có được các cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ ngành Đường sắt phục hồi, phát triển”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh nói.

Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng công ty cần chủ động đánh giá tình hình, dự đoán thị trường vận tải, từ đó xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, điều hành hoạt động SXKD, đầu tư năm 2022, sớm trình Ủy ban phê duyệt. Tập trung theo dõi sát sao diễn biến dịch, thị trường để kịp thời điều chỉnh chính sách, ứng phó phù hợp.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp linh hoạt, thích ứng dịch để phục hồi SXKD, trong đó đẩy mạnh tiết kiệm chi phí vận hành, tăng cường quản trị chi phí và thu hồi công nợ. Cơ cấu, tổ chức lại bộ máy theo hướng gọn nhẹ, tối ưu, đảm bảo các hoạt động không bị gián đoạn. Đẩy mạnh vận tải hàng hóa, trong đó có vận tải container, vận tải liên vận quốc tế. Đồng thời phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh cho biết, đầu năm 2021, Tổng công ty đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động dokhông còn dòng tiền. Mặt khác, 5 tháng đầu năm chưa bố trí được nguồn vốn cho công tác bảo trì hạ tầng nên không có tiền để thay thế vật tư, trả lương khoảng 11.300 CBCNV khối hạ tầng. Trong khi đó, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến vận tải.

“Để có thể duy trì được đến ngày hôm nay là cả quá trình vượt qua đầy khó khăn. Tổng công ty thậm chí đã phải đưa ra cả quyết sách giảm chi phí, trong đó có giảm lương người lao động, mục tiêu là trụ vững vượt qua đại dịch. Kết quả, Công ty Mẹ doanh thu âm hơn 690 tỷ, giảm được lỗ so với âm 700 tỷ kế hoạch Ủy ban giao, còn doanh thu Tổng công ty hợp nhất âm hơn 670 tỷ.

Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, qua hai năm nỗ lực thực hiện các giải pháp vượt khó khăn, phải thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta vẫn chậm đổi mới, cả về tư duy, cung cách làm việc và tiếp cận thị trường. Vì vậy, thời gian tới, càng phải đổi mới hơn nữa, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa và tiếp tục duy trì kiểm soát chặt chẽ chi phí. Khi đó mới kỳ vọng năm 2022 tăng được doanh thu, ông Minh nói.

Nhận định năm 2022 vận tải đường sắt tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ông Minh cho biết, Tổng công ty đã xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau, mục tiêu hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn mọi mặt. Đồng thời, duy trì SXKD, xác định vận tải hàng hóa là chủ đạo và tìm cách giảm lỗ.

Tiếp tục củng cố và kiểm soát tốt công tác quản lý, bảo trì hạ tầng; Đảm bảo việc làm cho người lao động, tăng dần thu nhập so với năm 2021. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong SXKD và các hoạt động, lĩnh vực khác của doanh nghiệp…

Về nhiệm vụ năm 2022, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, sẽ tập trung xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch SXKD, đặc biệt chú trọng đến thúc đẩy SXKD vận tải khi đã khống chế được dịch Covid-19 và đạt được miễn dịch cộng đồng, trong đó tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa. Xây dựng và tích cực triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác bán hàng, chăm sóc khách hàng, nhằm tăng sản lượng và doanh thu vận tải. Trước mắt triển khai kế hoạch chạy tàu Tết Nguyên đán 2022 đảm bảo an toàn, hiệu quả và thích ứng với dịch Covid-19.

Cụ thể, toàn Tổng công ty dự kiến thực hiện được sản lượng và doanh thu bằng 89% trở lên so với cùng kỳĐảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Công ty Mẹ dự kiến doanh thu bằng 108,4% trở lên so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế là -580 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 100 tỷ so với năm 2021. Doanh thu trực tiếp từ vận tải bằng 107,6% trở lên so với cùng kỳ.

ĐSVN

Scroll to Top