Sau Ngân hàng Thế giới (WB), tới Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan tâm tới dự Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các bên cùng cam kết sẽ tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp có thể tham gia dự án này của Việt Nam nếu được triển khai trong thời gian tới.
Mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc với ông Yamada Takio – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam và ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc trên, ông Yamada Takio cho biết, phía Nhật Bản rất quan tâm đến Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Dự án đường sắt TPHCM – Cần Thơ.
Về phía Bộ GTVT, ông Thắng mong muốn Đại sứ quán Nhật Bản sẽ chia sẻ thông tin về các dự án đường sắt trên của Việt Nam tới các doanh nghiệp Nhật Bản, hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ cũng như cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản về vấn đề này.
“Nhật Bản là một trong những nước rất phát triển về lĩnh vực đường sắt. Việt Nam mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng và khai thác hệ thống đường sắt”, ông Thắng nói.
Trước đó, tại buổi làm việc với bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và bà Carolyn Turk đã có những chia sẻ về Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Hai bên thống nhất sẽ phối hợp tìm kiếm các đối tác để cùng trao đổi chi tiết hơn về dự án này.
Hiện Nhật Bản và WB là 2 nhà tài trợ vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam, với nhiều công trình giao thông lớn đã và đang triển khai.
Vào cuối tháng 7, tại buổi tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị cơ quan này hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Thủ tướng nêu rõ, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có thể theo tinh thần làm từng đoạn, dễ trước, khó sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Mới đây, Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT thống nhất phương án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam theo hướng làm một tuyến đường sắt mới và nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu. Trong đó, tuyến mới dùng chạy tàu khách và tàu hàng cao tốc có vận tốc 250 km/giờ. Điểm dừng của tàu khách chỉ ở sáu ga chính gồm Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Long Thành, Thủ Thiêm.
Tuyến hiện hữu nâng cấp để chở hành khách liên vùng (chở hành khách địa phương) và tàu hàng container với vận tốc 180 km/giờ sẽ dừng tại tất cả ga dọc Bắc – Nam.
Tổng mức đầu tư dự án là 61,67 tỉ USD, tương đương trên 1,4 triệu tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước gần 53 tỉ USD, gồm vốn đấu giá đất tại 50 nhà ga (gần 39 tỉ USD) vốn đầu tư công (hơn 13 tỉ USD). Vốn tư nhân trên 9 tỉ USD (chiếm hơn 14% tổng mức đầu tư) để đầu tư toa xe, xây dựng sáu nhà ga chính cao 10 tầng.
Dự án sẽ phân kỳ thành ba giai đoạn với thời gian đầu tư là 16 năm. Trong đó, giai đoạn 1 (2025-2031), xây đoạn Thủ Thiêm – Nha Trang, song song đó thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại các nhà ga, chuẩn bị thực hiện đấu giá đất tại các ga để tạo nguồn đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Tổng số vốn giai đoạn này là 16,58 tỉ USD.
Giai đoạn 2 (2031-2038), xây dựng đoạn Hà Nội – Đà Nẵng dài hơn 677 km với tổng mức đầu tư 26,44 tỉ USD; giai đoạn 3 (2038-2041), đầu tư đoạn còn lại Đà Nẵng – Nha Trang dài hơn 469 km với tổng mức đầu tư 18,65 tỉ USD.
TN tổng hợp