Ga Grand Central của Mỹ, Antwerpen-Centraal của Bỉ, Maputo của Mozambique… gây ấn tượng với du khách thế giới nhờ kiến trúc và lịch sử lâu đời.
Antwerpen-Centraal, Bỉ
Nhà ga được xây vào những năm 1895 – 1905. Ga Antwerpen-Centraal nằm ở trung tâm thành phố Antwerp, được xem là một trong những công trình kiến trúc liên quan đến tàu ấn tượng nhất ở Bỉ. Năm 2014, tạp chí Anh – Mỹ Mashable trao cho Antwerpen-Centraal vị trí số 1 trong danh sách các ga tàu đẹp nhất thế giới. Ảnh: aris.setya/Instagram
Liège-Guillemins, Bỉ
Liege là thành phố lớn thứ 3 của Bỉ, và ga Liege-Guillemins là một trong những tổ hợp quan trọng nhất nước này khi nằm trên hệ thống đường tàu cao tốc. Nhà ga có tông trắng chủ đạo, là nơi kết nối các điểm đến trong và ngoài nước tới Liege. Cuối thế kỷ 20, tàu cao tốc có mặt và Bỉ cần xây nhà ga mới do các sân ga cũ quá nhỏ. Ga Liège-Guillemins mới do kiến trúc sư Santiago Calatrava thiết kế, đón khách chính thức từ 18/9/2009. Ảnh: aris.setya/Instagram
Grand Central, Mỹ
Ga tàu trung tâm này nằm ở thành phố New York sôi động, được công ty kiến trúc Reed & Stem và Warren &Wetmore thiết kế, xây dựng từ năm 1903 đến 1913. Với tổng 44 sân ga, Grand Central được Kỷ lục Guinness công nhận là nhà ga lớn nhất thế giới về số lượng sân và diện tích (19,8 ha). Ảnh: tmxcphoto
Paris Gare de Lyon, Pháp
Nếu từng thấy một tòa tháp giống Big Ben khi tới Paris có nghĩa là bạn đang ở ga tàu Gare de Lyon. Paris có 7 ga chính trong thành phố nhưng đây là ga hấp dẫn nhất và du khách có thể ghé thăm nhà hàng Le Train Bleu danh tiếng trên đường tới ga.
Công trình xây vào năm 1855 để chuẩn bị cho dịp Hội chợ thế giới 1900 với nhiều tầng lớp khác nhau, Gare de Lyon là kiến trúc điển hình của thời đó. Điểm đáng chú ý nhất là tháp đồng hồ ở góc trên của ga. Ảnh: Itinari
Maputo, Mozambique
Ga Maputo (hoặc ga trung tâm) là một nhà ga ghi dấu lịch sử của thành phố Maputa, Mozambique. Xây từ năm 1908 đến 1916, nhà ga này mang phong cách kiến trúc Beaux – Art ấn tượng và là nơi kết nối Nam Phi, Swaziland và Zimbabwe. Maputo từng được nhiều báo xếp vào top ga đẹp nhất thế giới như Time, Architectural Digest, CnTraveler… Ảnh: wendelin_wanderer
Tokyo, Nhật Bản
Nhật Bản có nhiều ga tàu thiết kế kiến trúc hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại. Ga Tokyo nằm ở phố kinh doanh Marunouchi, Chiyoda đón khách từ năm 1914, là ga đông đúc nhất Nhật Bản và điểm chính kết nối Tokyo với các thành phố xung quanh. Mặt ga chính nằm ở hướng tây được xây bằng gạch đỏ truyền thống và hiện là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia này. Ảnh: washima12
Kanazawa, Nhật Bản
Ga mở cửa từ 1/4/1898 nằm ở thành phố Kanazawa, thủ phủ của tỉnh Ishikawa, miền trung đảo Honshu. Công trình nổi tiếng với chiếc cổng gỗ Tsuzumi (hình chiếc trống truyền thống khổng lồ) và mái vòm Motenashi. Nhờ có hệ thống tàu cao tốc phát triển mà từ Tokyo hay Kyoto đến ga Kanazawa chỉ tốn khoảng 2,5 tiếng đi tàu. Ảnh: Ishikawa Travel
São Bento, Bồ Đào Nha
Nhà ga São Bento nằm trong trung tâm lịch sử của thành phố Porto, được UNESCO công nhận là di sản thế giới đồng thời là di tích quốc gia của Bồ Đào Nha. Ga bắt đầu đón khách từ năm 1916, và thu hút không chỉ khách đi tàu mà cả du khách khắp nơi đến tham quan. Bên trong ga lát hơn 20.000 viên gạch men màu theo sự sáng tạo của họa sĩ Jorge Colaco. Ảnh: aris.setya/Instagram
Sirkeci, Thổ Nhĩ Kỳ
Ga Sirkeci do kiến trúc sư August Jasmund chỉ đạo xây vào năm 1890 và bắt đầu đón khách từ năm 1872 tại Istanbul. Đây là điểm cuối đi về hướng đông của chuyến tàu Orient Express đi Paris – Istanbul nổi tiếng thế giới. Sirkeci nằm gần Sultanahmet, thánh đường Hagia Sophia, Blue, các khu chợ lớn Grand Bazaar, Spice Bazaar… nên chắc chắn là điểm du lịch không thể bỏ qua khi tới Istanbul. Ảnh: wikipedia
Chhatrapati Shivaji, Ấn Độ
Chhatrapati Shivaji là nhà ga lâu đời (xây năm 1878), một di sản UNESCO nằm ở thành phố Mumbai, bang Maharashtra. Nhờ sự pha trộn giữa kiến trúc gothic thời Victoria và nét văn hóa Ấn Độ mà công trình có diện mạo đầy ấn tượng. Đặc biệt về đêm khi lên đèn mọi ngóc ngách, nhà ga nhìn từ xa lung linh và nguy nga không kém một lâu đài. Ảnh: thehindu
Nguồn: VnExpress