Thời điểm này, ngành Đường sắt cần nhân lên những tấm gương người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất để từ đó lan tỏa một tinh thần tích cực và sự nhiệt tâm vì sự nghiệp của VNR, thay vì ngồi than thở trước thực trạng của ngành.
Nghĩ lạc quan câu chuyện sẽ tươi sáng…
“VNR hiện có hơn 2 vạn người lao động. Đó là những chủ thể quan trọng và trung tâm của ngành Đường sắt Việt Nam. Nếu họ suy nghĩ tích cực, hành động tích cực, cộng với đường hướng phù hợp của ban lãnh đạo, thì công việc sẽ dần thuận lợi, từ đó câu chuyện mà ngành Đường sắt chia sẻ ra bên ngoài cũng sẽ dần tươi sáng hơn”, lời ông Mạnh.
– Rõ ràng là đang có một sự thay đổi về cách đặt vấn đề trong chính “ngôi nhà” của Đường sắt cũng như cách truyền thông ra bên ngoài của lãnh đạo VNR xung quanh câu chuyện của ngành, thưa ông?
Những điển hình trong lao động, sản xuất của lao động đường sắt, thời kỳ nào cũng có. Nhưng bây giờ là lúc, chúng tôi mong muốn có nhiều hơn những gương sáng như thế để dù ở đâu – trong các nhà máy, ngoài những cung đường hay trên những đoàn tàu… cũng có thể truyền đi những năng lượng tích cực, sự lạc quan về hoạt động của ngành. Bởi sự nghiệp của ngành Đường sắt Việt Nam có được, và phát triển lên được hay không là có sự đóng góp của họ.
“Kêu khó, kêu khổ mãi không chừng bị dư luận người ta hỏi lại: “Sao lúc nào các “ông” cũng kêu vướng, kêu khó? Khó khăn như thế, thì ý tưởng, giải pháp tự thân mà các “ông” nghĩ ra, đề xuất nên là cái gì?”. Đấy là điều mà dư luận quan tâm và muốn biết ở ban lãnh đạo”, Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh nói.
Muốn thế, lãnh đạo VNR và các đơn vị trực thuộc ở phía dưới phải tạo được niềm tin về tinh thần, đồng thời có sự đãi ngộ phù hợp về vật chất đối với người lao động. Để trước mắt, dù vẫn còn những khó khăn, nhưng trong “ngôi nhà” chung ấy, người lao động đường sắt vẫn thấy được sự nỗ lực, cống hiến của họ là ý nghĩa, và họ phải chắc chắn biết rằng, những nỗ lực đó sẽ được ngành và lãnh đạo các cấp ghi nhận…
Lẽ thường, khi ở trong “nhà” mình có niềm vui, sự phấn chấn thì mình đi ra ngoài cũng thấy vui, câu chuyện mình chia sẻ ra ngoài cũng sẽ lạc quan hơn; sự kêu ca, than thở vì thế cũng sẽ dần ít đi.
– Vậy, bằng cách nào để lãnh đạo VNR truyền niềm tin và tinh thần lạc quan tới hàng vạn lao động ở cơ sở?
Chúng tôi cố gắng để có nhiều thời gian đi cơ sở, tiếp xúc, đối thoại với người lao động ở các khối vận tải, đầu máy, hạ tầng,… Nhớ có lần anh, em phục vụ trên tàu phàn nàn công việc của họ vất vả mà thu nhập thì thấp. Sau khi nắm tình hình, chúng tôi đã xem xét và đồng ý cho áp dụng thí điểm hình thức “khoán doanh thu đoàn tàu” cho tổ tàu thuộc tuyến Hà Nội – Hải Phòng.
Dù đến nay chưa có tổng kết, đánh giá về cách làm này, nhưng phản hồi từ người lao động là khá tích cực vì nếu tổ tàu đó làm tốt, thu nhập của họ sẽ cao lên chứ không bình quân, cào bằng như trước nữa.
Chúng tôi nghĩ rằng, một quyết định đúng đắn xuất phát từ người lao động và đã được kiểm chứng trong thực tiễn thì có thể nhân rộng nó ra nhiều đơn vị trong toàn ngành, từ đó lan tỏa tinh thần lạc quan về một cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công việc tới nhiều tập thể lao động khác.
Năm 2022, VNR đạt doanh thu hơn 7.340 tỷ đồng, giảm lỗ được 195,8 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hàng liên vận quốc tế tăng trưởng hơn hai con số. |
Ngoài ra, để người lao động tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của các cấp trong ngành Đường sắt, việc thông tin không nên một chiều, không nên áp đặt từ một phía. Chúng tôi phải có trách nhiệm để người lao động biết được những điều cơ bản về đường hướng phát triển của ngành nói chung hoặc về một giải pháp cụ thể trong một giai đoạn cụ thể nào đó, giúp người lao động có thông tin và an tâm gắn bó với ngành.
Năm 2023, cân bằng được thu – chi?
– Dư luận đánh giá thế nào về ngành Đường sắt trước đây “đụng đâu kêu khó đó”, nhưng nay thì đã tiếp cận thực tế theo theo hướng tự mình phải tìm cách giúp mình vượt khó, thưa ông?
Kêu khó, kêu khổ mãi không chừng bị dư luận, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý – người ta hỏi lại rằng: “Sao lúc nào các “ông” cũng kêu ca? Khó khăn như thế, thì ý tưởng, giải pháp tự thân mà các “ông” nghĩ ra, đề xuất nên là cái gì?…”. Ý tôi, mình là người trong cuộc, trong hoàn cảnh như thế, thì tập thể ban lãnh đạo và toàn ngành phải đoàn kết, trăn trở, để có ý tưởng, cách làm phù hợp mà vượt qua khó khăn.
Với chức trách, nhiệm vụ của lãnh đạo, trong các cuộc họp ở Tổng công ty hay đi cơ sở, chúng tôi đều thống nhất làm việc trên tinh thần đó, và quyết tâm phấn đấu để năm 2023, VNR sẽ cân bằng được thu – chi trong sản xuất kinh doanh; dự kiến từ các năm 2024, 2025 sẽ có lãi…
Tổng Giám đốc Đặng Sỹ Mạnh (bên phải) kiểm tra công tác sản xuất tại một đơn vị công nghiệp thuộc VNR |
– Không kêu khó nữa, nhưng ở một chừng mực nào cũng cần để cơ quan chức năng biết được sự vướng mắc mà VNR đang đối mặt, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời về cơ chế, chính sách cho ngành?
Tôi xin dẫn chứng trong lĩnh vực vận tải liên vận quốc tế đường sắt, thời gian gần đây đã có những chủ trương, chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, qua đó cũng giúp cho VNR tháo gỡ được những nút thắt trong vận tải.
Cụ thể, Bộ GTVT có thẩm quyền công bố các khu ga tạm có hoạt động liên vận quốc tế, như đối với khu ga Kép (Bắc Giang) là tiền đề quan trọng để cơ quan Hải quan bố trí làm thủ tục thông quan hàng hóa tại đây phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Giải quyết kịp thời vấn đề này giúp VNR tránh được ùn tắc hàng hóa tại các ga liên vận quốc tế gần biên giới (như ga Đồng Đăng), bởi tới đây có thể tăng được năng lực thông quan từ những ga nằm sâu trong nội địa.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng vừa đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2026 về cải tạo nâng cấp 9 khu ga hàng hóa (nâng cấp kho, bãi, đường nội bộ trong ga) để phục vụ vận tải liên vận quốc tế. Điều này là rất tốt vì hạ tầng đường sắt tác động trực tiếp tới chất lượng và năng lực của vận tải đường sắt.
– Trân trọng cảm ơn ông và chúc VNR một năm mới nhiều thành công!
Chạy tàu linh hoạt, nét mới trong vận tải đường sắt
Thời gian qua, VNR đã áp dụng một loạt giải pháp để lấy lại thị phần cho Đường sắt như “Door to door” giao nhận hàng tận nơi; chạy hỗn hợp tàu khách tàu hàng (nối thêm toa xe hàng vào tàu khách); tăng tàu hàng chuyên tuyến (hợp đồng với khách hàng chạy những chuyến cố định, có hàng đi và hàng về); lập đoàn tàu hàng nhanh…
Đây là những giải pháp chạy tàu linh hoạt, có đo lường nhu cầu thị trường, trên cơ sở luồng hàng, luồng khách để lập tàu. Cách này khác với trước kia là lập kế hoạch chạy tàu sau đó đến kỳ, đến hạn mới tính toán thu chi, lỗ lãi. Với những giải pháp nói trên, các đơn vị chức năng của VNR phải tính toán từng thành phần trong một đoàn tàu và phải quản trị được chi phí, doanh thu…, nếu hiệu quả thì duy trì, không thì phải điều chỉnh.
ĐSVN